Tin Tức
Giảm nguy cơ sâu răng vĩnh viễn
Theo quan niệm của nhiều người, bệnh răng miệng không nghiêm trọng. Song, đó là một sai lầm bởi căn bệnh này liên quan đến hàng loạt các bệnh lý khác trong cơ thể.
Bệnh răng miệng của người Việt chủ yếu tập trung ở các bệnh như sâu răng, viêm nướu (lợi), viêm quanh răng. Có tới 75% dân số bị sâu răng vĩnh viễn. Các nhà khoa học từ Tập đoàn Lion (Nhật Bản) trong một nghiên cứu về sức khỏe răng miệng đã tiết lộ nhiều nguyên nhân gây sâu răng, chủ yếu là:
- Tuổi tác: Ở người lớn tuổi, lượng nước bọt ít hơn người trẻ, đồng thời nướu cũng yếu hơn nên nguy cơ bị sâu răng và mất răng cao hơn người trẻ.
- Chải răng không đúng cách: rất nhiều người chỉ chải răng một ngày một lần hoặc chải răng qua loa, vì vậy, các vùng bên phía trong răng không làm sạch được mảng bám.
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt: Ăn vặt liên tục sẽ làm lượng axit có hại cho răng miệng tăng lên nhiều lần so với bình thường. Ngoài ra, không chăm sóc răng miệng đúng trong thai kỳ, dùng thuốc kháng sinh nhiều và stress cũng là nguyên nhân gây sâu răng.
Trong những bệnh răng miệng thường gặp, viêm nướu cũng được ghi nhận là bệnh nguy hiểm. Viêm nướu do mảng bám răng hình thành liên tục trên răng và nướu. Nếu mảng bám không được loại bỏ thì nó sẽ sinh ra độc tố kích thích mô nướu, gây viêm nướu. Nếu không được điều trị, viêm nướu sẽ dẫn đến viêm nha chu và gây ra sự phá hủy vĩnh viễn lên răng và hàm.
Thực tế, viêm nướu đã được chứng minh là có liên quan mật thiết đến nhiều bệnh khác trên cơ thể như đột quỵ, bệnh tim mạch, sinh non và làm nghiêm trọng bệnh tiểu đường. Theo các chuyên gia răng miệng từ Nhật Bản, nha chu là một trong nhóm 6 bệnh liên quan đến bệnh tiểu đường. Ở những người có tiền sử bị tiểu đường, nếu chăm sóc răng miệng không tốt, kiểm soát đường huyết sẽ giảm đi 6 lần so với những bệnh nhân bị tiểu đường khác. Phụ nữ khi mang thai nếu bị viêm nướu thì sẽ có nguy cơ sinh non hoặc sinh con thiếu tháng nhẹ cân gấp 7 - 8 lần so với những thai phụ có răng, nướu khỏe mạnh.
Những nghiên cứu tại Nhật đã chứng minh nướu khỏe là nền tảng quan trọng cho răng chắc khỏe. Vì vậy, chăm sóc nướu cũng là một phần quan trọng trong chăm sóc răng miệng hằng ngày, gồm:
- Chải răng đúng cách, đầy đủ và sử dụng đúng sản phẩm chăm sóc răng miệng.
- Đánh răng cẩn thận 3 lần một ngày (mỗi lần khoảng 3 phút) sau bữa sáng, trưa và trước khi đi ngủ. Bạn cần chải đầy đủ các mặt răng: mặt trước, mặt sau, mặt nhai; di chuyển bàn chải từng chút một và chải sạch mảng bám.
- Khi chải răng, bạn cần chú ý chải kỹ khu vực giữa kẽ răng và viền lợi - nơi "trú ẩn" của những mảng bám có vi khuẩn.
- Chọn kem đánh răng phù hợp với nhu cầu sử dụng: Nghiên cứu tại Nhật đã chứng minh nếu không dùng kem đánh răng, phải chải đến 30 lần mới sạch hết mảng bám. Ngoài ra, kem đánh răng phù hợp còn giúp răng trắng sạch, hơi thở thơm tho.
Tuy nhiên, chuyên gia khuyên tùy theo tình trạng răng miệng từng người mà chọn đúng loại kem đánh răng. Những người có mảng bám, vết ố trên răng và các vấn đề về cao răng do hút thuốc, uống cafe, trà... nên chọn kem đánh răng chứa công thức tẩy mảng bám gấp hai lần canxi cacbonat và nhôm oxit so với loại thông thường. Điều này giúp chống sâu răng và ngăn ngừa mảng bám quay trở lại.
Những người muốn giữ răng luôn trắng khỏe nên chọn kem đánh răng có gấp đôi Flouride và chất làm trắng để răng trắng hơn, chắc khỏe hơn.
Trẻ em nên chọn loại kem đánh răng có công thức không đường, bổ sung Xylitol và Fluoride để phòng ngừa sâu răng hiệu quả. Đồng thời, kem đánh răng phải an toàn dù trẻ có nuốt phải.
- Chọn bàn chải bảo vệ răng và nướu hiệu quả: tùy theo độ tuổi, độ lớn của răng và miệng mà bạn cần chọn bàn chải phù hợp. Bạn nên ưu tiên loại bàn chải có đầu lông mỏng khoảng 0.02mm và có độ bền, dẻo để xâm nhập vào các khu vực khó chải như kẽ răng, viền lợi giúp chải sạch mảng bám. Đồng thời, người tiêu dùng cần thay bàn chải ít nhất 3 tháng một lần để bảo đảm chải sạch.
- Kiểm tra răng miệng định kỳ: Khảo sát răng miệng tại Nhật cho thấy những người kiểm tra răng miệng định kỳ trong suốt 20 năm sẽ duy trì được hơn 20 răng vào năm 80 tuổi.
- Thay đổi thói quen để bảo vệ răng miệng: không hút thuốc lá, ăn uống điều độ với đúng loại thức ăn; hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều carbohydrate, chú ý ăn uống đúng thời gian, cố gắng ăn những thực phẩm nâng cao sức đề kháng như protein, vitamin C...
Bình Tâm (Sưu tầm)